Tối Giản – Minimalism là một phong trào nghệ thuật phát triển mạnh mẽ nhất ở Mỹ trong thập niên 60 và 70.
Giản nhanh chóng phát triển thành xu hướng thiết kế thời đại, với phong cách nhấn mạnh việc giảm thiểu đến tối đa các chi tiết thừa, chỉ giữ lại thành phần thật sự cần thiết và đáp ứng được yêu cầu về công năng lẫn thẩm mỹ. Sự sử dụng hạn chế về màu sắc trong trang trí là đặc trưng dễ nhận diện nhất của xu hướng thiết kế này.
Tối Giản – Minimalism xuất hiện trong nghệ thuật Phương Tây từ sau Thế Chiến II, phát triển mạnh mẽ nhất ở Mỹ trong những năm 1960 và đầu những năm 1970. Tối Giản có nguồn gốc bắt rễ từ sự thuần khiết và cô đọng của Chủ nghĩa Hiện đại (Modernism). Xét trên phương diện rộng lớn hơn, người ta tìm thấy nguồn gốc của Phong cách Tối giản Châu Âu trong các concept hình học trừu tượng của các họa sĩ theo phong trào nghệ thuật Bauhaus và De Stijl mà đi đầu là những tác phẩm của Kazimir Malevich, Piet Mondrian; các nghệ sĩ khác trong phong trào Kết cấu Nga…
Rất nhiều cái tên đã được sử dụng để mô tả nghệ thuật mới này từ “Nghệ thuật ABC - ABC Art”, “Nghệ thuật Rút gọn - Reductive Art” đến “Phép dịch giải – Literalism”, “Tranh hệ thống - Systemic Painting”... “Minimalism – Tối Giản” là cụm từ cuối cùng được gọi tên, bởi vì có lẽ nó mô tả chính xác nhất công việc của các nghệ sĩ và nhà thiết kế tối giản: giản lược tối thiểu từ màu sắc, hình dạng, đường nét đến kết cấu.
Các nghệ sĩ nổi tiếng gắn liền với phong trào nghệ thuật Tối Giản bao gồm Donald Judd, John McCracken, Agnes Martin, Dan Flavin, Robert Morris, Anne Truitt, Carl Andre và Frank Stella..Các nhà thiết kế tiêu biểu phải kể đến như Dieter Rams, Philippe Starck, Jonathan Ive, Naoto Fukasawa…
Sức mạnh của Tối Giản trong lĩnh vực thiết kế
Nhiếp ảnh Tối Giản (Minimalist Photography) là một trong những loại hình “nghệ thuật tối giản của thị giác” lấy sự giản lược chi tiết, màu sắc, hình dạng, đường nét…làm sức hút của bức ảnh.
Ảnh tối giản trông có vẻ đơn điệu, bao gồm một, hai chủ thể chính nổi bật trên phông nền chi tiết giản đơn nhưng chứa đựng những thông điệp hết sức cô đọng và sâu lắng, gợi mở cảm xúc hay sự cô đơn trong chính tâm hồn mỗi người xem. Chủ đề chính của ảnh tối giản có thể là ảnh tĩnh hay ảnh động, người hay vật, màu sắc hay đơn sắc, những vật dụng thường ngày hay những chi tiết trên cơ thể con người…Không dễ để truyền đạt thông tin vào những bức ảnh ít chi tiết, bởi sự đơn giản luôn khó thể hiện nhất. Do đó, để chụp những bức ảnh tối giản cần sự tư duy và chí tưởng tượng của người chụp nhiều hơn việc nắm bắt khoảnh khắc.
Đồ họa Tối Giản (Minimalist Graphic) loại bỏ các yếu tố không quan trọng và tập trung vào sự đơn giản, đồng thời đặt ra thách thức cho các nhà thiết kế là cần phải tìm được một yếu tố vừa xúc tích vừa ngắn gọn nhưng vẫn truyền tải được đầy đủ chủ đề, thông điệp của tác phẩm đồ họa một cách chính xác và dễ hiểu.
Những đặc điểm thể hiện cơ bản của Thiết kế Đồ họa Tối Giản bao gồm:
Less is more: càng tối giản là càng thể hiện nhiều. Loại bỏ tất cả chi tiết không cần thiết.
Màu sắc tối thiểu, chỉ sử dụng những màu sắc tương tác tốt với nhau và nằm trong chủ đích của nhà thiết kế.
Nghệ thuật chữ (Typography) rõ ràng, đơn giản và phải thật dễ nhận biết, dễ đọc.
Hệ thống lưới chắc chắn hay mô hình lưới đơn giản đã quen thuộc với mắt sẽ đảm bảo tỉ lệ, sự cân đối của hình ảnh nội dung.
Tăng độ tương phản để tăng khả năng nhận diện của thiết kế, dễ đọc và dễ gây ấn tượng.
Nội thất Tối Giản (Minimalist Interior/Indoor Design) luôn có tính mạnh mẽ, hiện đại, rõ ràng của đường nét và mảng khối. Đặc biệt các khoảng trống và ánh sáng được chú trọng và đề cao, và thiết kế nội thất theo phong cách này là thiết kế từ khoảng trống đến khoảng đặc của đồ nội thất cũng như ánh sáng lẫn khoảng tối của không gian nội thất.
"House for installation" - Jun Murata
Cũng giống như Nội Thất Tối Giản, Ngoại thất (Minimalist Outdoor Design) theo phong cách này cũng gói gọn trong hai chữ “Hạn chế”. Hạn chế trong trang trí, hạn chế bố trí quá nhiều ngoại thất, hạn chế về số lượng cây cối, chỉ giữ lại thành phần nào thật sự cần thiết và đáp ứng được yêu cầu về công năng lẫn thẩm mỹ. Những chính sự hạn chế này lại khắc phục được nhược điểm về diện tích của sân vườn.
Tối Giản cũng là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến cho thiết kế kiến trúc hiện đại ngày nay (Minimalist Architecture) và ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. Hầu hết các ngôi nhà được đặt phối kết hợp thiên nhiên, một số không gian kiến trúc mở hòa quyện đối với môi trường, sử dụng các cửa sổ lớn có tầm nhìn không bị cản trở. Đồ vật trang trí sinh động hoặc sự hiện diện của gỗ là một trong những lựa chọn có thể thêm sự vui vẻ cho một ngôi nhà hiện đại tối giản.
Tối Giản -Minimalism trong thiết kế sản phẩm (Minimalist Product Design) là sự tinh tế có tính toán chặt chẽ về công nghệ hiện đại, chức năng, yếu tố thân thiện với người sử dụng…trong vẻ đẹp đơn giản nhất. Hình thức của cấu trúc sử dụng hình dạng hình học cơ bản làm cơ sở, chỉ sử dụng một hình dạng duy nhất hoặc một số nhỏ các khối thành phần tạo nên sự thống nhất của thiết kế. Bề mặt khối trơn, sạch. Sự tương phản của màu sắc hữu hạn giúp cân bằng ánh sáng trên thiết kế và tăng tính thẩm mĩ của thị giác. Kim loại là vật liệu được ưa chuộng trong Thiết kế Sản phẩm Tối giản, do bề mặt tương tác ánh sáng cao, kết cấu đơn giản đồng thời mang lại được cảm giác sang trọng, uy tín.
Tai nghe Tối Giản Apple
Tối giản từ vật dụng nhỏ nhất...
...Đến nhạc cụ đầy tính nghệ thuật.
“Make things as simple as possible but no simpler.” – “Thực hiện những điều càng đơn giản thì càng không đơn giản” - Albert Einstein.
Trong khi “sự đơn giản” được sử dụng để xác lập nên Xu hướng Thiết kế Tối giản, lại không đơn giản để có thể tạo nên một Thiết kế Tối giản tốt. Thiết kế nhỏ gọn có nghĩa là nhà thiết kế phải làm chủ thiết kế và sẽ rất khó để tối giản. Nhà thiết kế cần cân nhắc những thành phần phải lược bỏ, tìm ra ứng dụng hoặc công năng thực tiễn và gắn nó một cách trông đơn giản nhất vào thiết kế. Tối giản không có nghĩa là lấy đi mọi thứ. Nó có nghĩa là bản thiết kế giao tiếp với người sử dụng qua càng nhiều yếu tố thiết kế càng tốt. Các Phong cách thiết kế khác nhau sẽ tạo ra những “cảm xúc” khác nhau trong sản phẩm thiết kế, mà ở Tối Giản chính là sự sạch sẽ, rõ ràng, dễ tiếp cận, thân thiện mà không kém phần tinh tế.